(0292)3 899 104  | 

Những điều cần biết về U men răng

Những điều cần biết về U men răng
Cập nhật 27/08/2021 15:08:24

U men răng là khối u lành tính xuất hiện ở xương hàm mặt, khiến cho vùng má sưng phù, biến dạng mặt. Nếu phát hiện muộn, u men răng có thể lan vào các tổ chức xung quanh, dễ trở thành u ác tính, di căn vào máu, hệ bạch huyết và dẫn tới tử vong.

1. U men răng - Ameloblastoma là gì?

U men răng (tên gọi đầy đủ là u nguyên bào tạo men - Ameloblastoma) là một khối u hiếm gặp, lành tính, xuất hiện phổ biến nhất ở vùng xương hàm mặt. U men răng gây ra bởi các tế bào hình thành nên lớp men lót bảo vệ trên răng, có tổ chức giống như men răng, nhưng biệt hóa theo hướng bất thường và không tạo thành men răng.

U men răng thường xảy ra nhiều hơn ở nam giới. Bệnh được chẩn đoán ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp hơn ở người lớn trong độ tuổi từ 40 đến 60. Khối u men răng liên tục phát triển, xâm lấn một cách âm thầm. Sau một thời gian, u men răng có thể biểu hiện ác tính, xâm lấn vào vùng xương hàm, khiến cho vùng má sưng đau, gây biến dạng mặt trầm trọng nếu u lớn. Rất hiếm các tế bào ameloblastoma di căn sang các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như các hạch bạch huyết ở cổ và phổi.

Do u nguyên bào tạo men thường có tỷ lệ tái phát cao nên việc điều trị thường có xu hướng điều trị triệt để, nhất là đối với trường hợp u men răng tái phát sau khi được điều trị bảo tồn. Việc chữa trị dứt điểm với những khối u men đã lớn thường để lại nhiều di chứng nặng nề cho bệnh nhân về mặt thẩm mỹ và chức năng, nhất là ở bệnh nhân trẻ tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau khi điều trị bằng phẫu thuật. Do đó, việc chẩn đoán phát hiện sớm u men răng là rất cần thiết.

2. Triệu chứng u men răng

2.1. U men ngoại biên

Do sự bất thường trong quá trình biệt hóa của biểu mô tạo răng, dẫn đến các tế bào tạo men nằm lạc chỗ ở nướu răng hay xương ổ răng. Biểu hiện u men ngoại biên là một khối u với bề mặt nhẵn láng, gồm một hay nhiều thùy.

2.2. U men trung tâm

Đối với xương hàm trên, các triệu chứng xuất hiện tùy vào mức độ phát triển, kích thước và khả năng xâm lấn của u men răng, bao gồm: Khối sưng phồng ở tầng giữa mặt, vùng má sưng đau, phồng xương ngách lợi, khẩu cái, nghẹt mũi, mất khứu. Bệnh nhân thường bị tê môi trên, má và cạnh mũi cùng bên do ảnh hưởng đến dây thần kinh V2.

Đối với xương hàm dưới, triệu chứng u men răng tùy theo giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn sớm

Trong giai đoạn đầu, khối u phát triển chậm, âm thầm, hầu như không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Bệnh thường chỉ được phát hiện tình cờ trên phim X - quang chụp thường quy.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào hình chụp phim X - quang thì chưa đủ để kết luận chẩn đoán mà phải kết hợp thêm kết quả từ giải phẫu bệnh lý.

  • Giai đoạn u men phát triển

U men răng có thể phát triển theo mọi hướng, gây phá huỷ xương và những phần mô xung quanh, làm tiêu ngót chân răng, tê môi cằm,... Khi khối u đã phát triển sau một thời gian, bắt đầu có kích thước lớn, gây phồng xương, bệnh nhân thường bị biến dạng mặt, mất thẩm mỹ.

Quan sát bên trong miệng có thể thấy ngách lợi sưng phồng, nhưng thường chưa gây đau. Bề mặt u nhẵn, răng trên u có thể lung lay hoặc di lệch một ít. Một số trường hợp bệnh nhân cảm thấy đau, khó chịu và chảy mủ.

  • Giai đoạn nặng

Trong giai đoạn trễ của bệnh, khối u men có kích thước lớn, gây phồng xương nhiều, mặt bắt đầu biến dạng rõ, xương bị phá hủy nghiêm trọng. Bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức nhiều, răng lung lay rõ và có thể bị xô lệch hẳn.

Trường hợp u men răng đã phát triển từ lâu, kích thước quá lớn, xâm lấn kênh răng dưới, khiến cho môi dưới bị tê, thậm chí có thể dẫn đến gãy xương nếu bờ dưới xương hàm dưới bị phá hủy.

3. Chẩn đoán u men răng

Chẩn đoán Ameloblastoma được thực hiện bằng các xét nghiệm, bao gồm:

  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: Chụp X - quang, CT scan và MRI giúp các bác sĩ xác định mức độ của u nguyên bào tạo men. Sự sinh trưởng của tế bào hoặc khối u. Đôi khi, có thể chẩn đoán phát hiện bằng tia X thông thường tại phòng nha.
  • Xét nghiệm mô bệnh học: Để xác định chẩn đoán, các bác sĩ có thể lấy một mẫu mô bệnh hoặc một mẫu tế bào và gửi đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm.

4. Cách điều trị Ameloblastoma

Những phương pháp điều trị u men răng bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Khối Ameloblastoma thường phát triển vào phần xương hàm gần đó, do đó bác sĩ phẫu thuật đôi khi phải loại bỏ một phần xương hàm bị ảnh hưởng. Tiếp cận phẫu thuật từ sớm sẽ làm giảm nguy cơ tái phát u men răng;
  • Phẫu thuật sửa chữa hàm: Nếu phẫu thuật cắt bỏ u liên quan đến việc loại bỏ một phần xương hàm của bệnh nhân, bác sĩ có thể tiến hành một phẫu thuật khác để sửa chữa và tái tạo lại hàm. Điều này giúp cải thiện tính thẩm mỹ và chức năng của hàm (hỗ trợ cho hoạt động ăn uống và nói chuyện).
  • Xạ trị: Liệu pháp xạ trị sử dụng chùm tia mang năng lượng cao nhằm điều trị triệt để khối u sau phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị cũng được lựa chọn nếu bệnh nhân chống chỉ định với phẫu thuật;
  • Chăm sóc hỗ trợ: Các chuyên gia có thể hỗ trợ bệnh nhân trong những hoạt động như nói chuyện, nuốt, ăn uống trong và sau khi điều trị.

Sau điều trị, bệnh nhân thường phải tái khám định kỳ để theo dõi thường xuyên trong vài năm tiếp theo.

DỊCH VỤ NHA KHOA
Nha khoa Cần Thơ Trám răng thẩm mỹ Cần Thơ Trám răng Cần Thơ Tẩy trắng răng Cần Thơ Răng trẻ em Cần Thơ Phục hình răng Cần Thơ Nội nha Cần Thơ Nhổ răng Cần Thơ Nha khoa bà mẹ mang thai Cần Thơ Nha chu Cần Thơ Chỉnh nha Cần Thơ Cấy implant Cần Thơ Răng sứ Cần Thơ

251 Nguyễn Văn Cừ, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ

Điện thoại: (0292)3 899 104


Hỗ trợ trực tuyến